CSVN – Trái ngược với doanh nghiệp (DN) cao su thiên nhiên đang chới với vì giá bán mủ giảm mạnh, các DN sử dụng cao su tự nhiên làm nguyên liệu đầu vào như ngành sản xuất lốp xe lại đang được hưởng lợi từ xu hướng giảm giá này và lợi thế về chính sách thuế.
Hưởng lợi từ chính sách thuế
Thuế nhập khẩu là một trong những chướng ngại to lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của ngành ô tô và phụ tùng trong nước. Mức thuế suất nhập khẩu ô tô hiện hành có thể lên đến 70%, chưa bao gồm mức thuế VAT 5-10% và thuế tiêu thụ đặc biệt 15-70% tùy loại.
Nhằm đáp ứng các thỏa thuận đa phương trong Khu mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Chính phủ đã giảm thuế suất áp dụng cho các nước ASEAN xuống còn 50% trong năm 2014 và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm 2018. Việc áp dụng lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô sẽ mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất lốp xe cỡ nhỏ.
Theo ước tính của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA), nếu so sánh về tỷ lệ ô tô trên 1.000 người, năm 2013, VN mới chỉ có 53 chiếc, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 72 chiếc, Indonesia 69 chiếc và Malaysia 379 chiếc.
Vì vậy, theo dự báo của các chuyên gia, ngành công nghiệp phụ tùng và ô tô cỡ nhỏ sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc cắt giảm thuế suất nhập khẩu xe hơi. Điều đó cũng có nghĩa phân khúc lốp dành cho loại xe cỡ nhỏ chủ yếu sử dụng lốp Radial bán thép sẽ trở thành phân khúc sinh lợi nhiều nhất trong ngành công nghiệp lốp xe nước ta.
Có thể nói, sản xuất săm lốp ô tô có nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn. Hiện tại, lốp Bias (lốp bố nylon) vẫn chiếm gần 90% nhu cầu do hạ tầng giao thông VN chưa phát triển, dẫn đến nhu cầu sử dụng lốp Radial (lốp bố thép) chưa nhiều. Nhưng trong dài hạn, lốp Radial chắc chắn sẽ thay thế lốp Bias nhờ độ bền cao hơn, giảm tiêu hao nhiên liệu và đặc biệt phù hợp với ôtô chạy cao trên đường cao tốc.
Tại các nước phát triển, tỉ lệ sử dụng lốp Radial chiếm 90% số lượng lốp tiêu thụ. Đây cũng chính là cơ hội phát triển cho ngành săm lốp tại VN trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và hệ thống đường cao tốc ngày càng phát triển.
Thêm vào đó, một khi tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn tất vào đầu 2015, các nhà xuất khẩu lốp xe trong nước sẽ có thể hưởng một sự gia tăng nhỏ trong biên lợi nhuận xuất khẩu khi mức thuế quan nhập khẩu hiện hành 5% của Hoa Kỳ (thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN) sẽ được xóa bỏ.
Cơ hội cho DN sản xuất lốp xe trong nước
Nhờ chính sách đổi mới công nghệ, một số DN săm lốp trong nước đã có thể cạnh tranh trực tiếp với lốp Radial xe tải nhập khẩu. Nếu các sản phẩm nhập khẩu như Bridgestone và Michelin thường được bán với giá cao hơn từ 40-50% so với các sản phẩm nội địa, thì các DN trong nước có thể tận dụng triệt để lợi thế về nguồn lao động rẻ và nguồn cung cao su tự nhiên dồi dào trong nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh giá cao su nguyên liệu đang ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây, cơ hội đến với các DN săm lốp là rất lớn. Đơn cử là trường hợp của Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC).
Theo công bố của DRC, doanh số bán lốp Radial đã tăng đáng kể lên gần 30.000lốp so với mức kế hoạch khoảng 18.000 lốp. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DRC đã bán 42.000 lốp Radial, chủ yếu tại thị trường nội địa (tăng 180%). Nhờ kết quả này, doanh thu 6 tháng của DRC đạt 1.546 tỷ đồng (tăng 12%) và biên lợi nhuận đạt trên 29% nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm.
Thực tế, giá nguyên liệu đầu vào đang là lợi thế cạnh tranh của các DN săm lốp trong nước. Theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), cung cao su thế giới sẽ tiếp tục dư thừa trong 3 năm tới với những con số lần lượt là 652.000 tấn cuối năm 2014, 483.000 tấn trong năm 2015 và 316.000 tấn trong năm 2016.
Dựa trên tương quan trong quá khứ giữa giá cao su và tăng trưởng GDP thế giới, dự báo giá cao su sẽ giảm trung bình 30% trong năm 2014 và tiếp tục đi ngang trong năm 2015. Với tình hình thuận lợi nêu trên, các DN sản xuất lốp xe VN đang có nhiều cơ hội và lợi thế để tăng tốc phát triển.
Trung Kiên (Tạp chí cao su Việt Nam)