THÁCH THỨC MỌI CON ĐƯỜNG

Ngành cao su toàn cầu ra sao trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Ngày đăng: 12:05 30/05/2019

Thương mại cao su đang đứng giữa "những làn đạn" của cuộc chiến tranh giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc. Nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm giảm đã làm kéo dài cuộc khủng hoảng cung vượt cầu trên thị trường cao su.


Nhập khẩu lốp xe vào Mỹ năm 2018 chỉ còn tăng 7,8% so với năm 2017 lên 14,8 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tăng gần 28% lên 5,23 tỷ USD. Do đó, thâm hụt thương mại liên quan đến lốp xe của nước này đã giảm 6,8% trong năm vừa qua so với 2017, xuống còn 9,6 tỷ USD, là năm thứ 2 liên tiếp thâm hụt thương mại lốp xe giảm (năm 2017, lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, thâm hụt thương mại lốp xe của Mỹ sụt giảm so với năm liền trước).

Mặc dù xuất khẩu lốp xe khách và xe tải nhẹ của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2018 đã giảm khá nhiều, song Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực này năm thứ 2 liên tiếp, vượt xa Thái Lan.
 

Theo Rubbernews, Việt Nam nằm trong số những nước xuất khẩu lốp xe khách và xe tải nhẹ sang Mỹ tăng trong năm 2018, tăng 31,9% về số lượng, lên 8,52 triệu chiếc, và đứng thứ 7 trong số những nước cung cấp chủ chốt. Trị giá lốp xe Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trung bình năm 2018 là 51,37 USD, tăng 3,7%. Trong top 10 nước cung cấp lốp xe lớn nhất cho Mỹ, trị giá trung bình từ 31,22 USD (Trung Quốc) đến 65,97 USD (Nhật Bản). Trong lĩnh vực xe tải nhẹ, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt trị giá 2,18 triệu USD trong năm 2018. Giá lốp xe tải nhẹ nhập khẩu vào Mỹ trung bình năm qua từ 44,16 USD (Việt Nam) đến 95,62 USD (Nhật Bản). Trong lĩnh vực lốp xe buýt/xe tải tầm trung, giá nhập khẩu vào Mỹ năm qua trung bình từ 116,19 USD (Việt Nam) đến 286,97 USD) (Canada).

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ gây sự xáo trộn về mức thuế nhập khẩu, mà còn có nguy cơ khiến cả 2 nền kinh tế này suy yếu, đang gây ra những hậu quả khó lường đối với toàn ngành cao su thế giới.

Ảnh hưởng tới Thái Lan

Khắp nơi trên đất nước Thái Lan đều có cây cao su. Khoảng 1/3 nguồn cung cao su thế giới đến từ Thái Lan. Mủ cao su do Thái Lan sản xuất được dùng sản xuất mọi thứ, từ lốp xe đến bao cao su, núm vú giả, găng tay phẫu thuật…Ở Thái Lan, cao su đã từng được ví như "vàng trắng", nhưng chính những người trồng cao su lại đang quay lưng với loại cây này, khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho giá liên tục giảm. Cao su nguyên liệu hiện đang chất đống đầy trong kho của các nhà máy chế biến cao su của nước này.

Theo trang CNTG, Thái Lan sản xuất khoảng 4,6 triệu tấn cao su mỗi năm. Hơn một nửa cao su tấm xuất khẩu của Thái Lan sang thị trường Trung Quốc để chế biến thành các sản phẩm từ lốp xe ô tô đến găng tay…Nhưng nhu cầu của Trung Quốc sụ giảm đã khiến xuất khẩu cao su của Thái Lan giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo giá trượt dốc.

Tình trạng của ngành cao su tự nhiên Thái Lan đang rất ảm đạm. Một lãnh đạo của Thai Hua Rubber, ông Korakod Kittipol cho biết, giá cao su đã giảm hơn 70%, giá hiện chỉ còn 1.800 USD/tấn. Bất cứ "vấn đề" nào ở Trung Quốc đều ảnh hưởng đến đất nước Thái Lan.

Xu hướng đi xuống không chỉ xảy ra ở ngành cao su. Doanh số bán linh kiện máy tính ở Thái Lan cũng giảm 10,6%, phụ tùng ô tô giảm 4%, linh kiện máy móc giảm 12,4%.

Từng được coi là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, nền kinh tế Thái Lan – vốn phụ thuộc vào thương mại – đang xuống dốc không phanh do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong đó có nguyên nhân không nhỏ bởi cao su là mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

Tác động tới Malaysia

Là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn, Malaysia cũng gặp khó khi giá cao su nguyên liệu sụt giảm. Và theo thỏa thuận của nhóm 3 nước xuất khẩu cao su lớn nhất là Thái Lan, Malaysia và Indonesia, Malaysia cắt giảm 15.600 tấn cao su xuất khẩu trong vòng 4 tháng, kể từ ngày 1/4/2019.
 

Tuy nhiên, vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu găng tay lớn nhất thế giới đã giúp Malaysia giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trái với cao su nguyên liệu, ngành găng tay cao su Malaysia dự kiến sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến này, bởi việc tăng thuế xuất khẩu găng tay Trung Quốc sang Mỹ có thể khiến nhu cầu găng tay Malaysia xuất sang Mỹ gia tăng.

Trang Bernama dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Sản xuất găng tay Malaysia – Margma cho biết, nhu cầu găng tay cao su toàn cầu ước khoảng 300 tỷ USD trong năm 2019, tăng khoảng 12% so với năm trước, trong đó 188 tỷ đối đến từ Malaysia, nước sản xuất và xuất khẩu găng tay lớn nhất thế giới, chiếm 63% tổng cung găng tay toàn cầu (tiếp đến là Thái Lan 18%, Trung Quốc 10% và Indonesia 3%).

Bên cạnh đó, găng tay nitrile do Trung Quốc sản xuất sẽ càng khó cạnh tranh với Malaysia về giá cả, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách giá giữa găng tay vinyl (làm từ nhựa) và cao su (hiện khoảng cách giá giữa 2 loại này khoảng 75% đến 130%). Điều đó có thể khiến các nhà nhập khẩu găng tay Mỹ lựa chọn mua găng tay cao su hơn là găng tay vinyl (trong 6 tháng đầu năm 2018, 44% găng tay nhập khẩu vào Mỹ là loại vinyl).

Trung Quốc là một trong những nhà xuất khẩu găng tay lớn nhất thế giới (chủ yếu là loại vinyl), chiếm 80% tổng khối lượng xuất khẩu của toàn cầu sang Mỹ. Găng tay vinyl thường được sử dụng trong các lĩnh vực phi y tế.

Tác động tới Ấn Độ

Economictimes đưa tin, ngành sản xuất hàng hóa từ cao su của Ấn Độ (chủ yếu là lốp xe) đang lo ngại nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên nữa, giữa bối cảnh nhập khẩu cao su và lốp xe của Ấn Độ liên tục tăng khi cuộc chiến thuế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang

Đầu tháng 10/2018, Chính phủ Ấn Độ đã nâng thuế nhập khẩu lốp xe radial từ 10% lên 15% nhằm kiểm soát tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức cao. Trước đó, Chính phủ nước này cũng đã nâng thuế nhập khẩu lốp xe radial dành riêng cho xe bus và xe tải (TBR) từ 10% lên 15%. Không chỉ tăng thuế nhập khẩu, Chính phủ Ấn Độ còn áp thuế chống bán phá giá do thị phần lốp xe TBR của Trung Quốc chiếm hơn 40% tổng kim ngạch nhập khẩu lốp xe.

Theo ông Rajiv Budhraja, tổng giám đốc Hiệp hội Sản xuất ô tô Ấn Độ, ngành sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu cao su của nước này đã yên tâm một phần bởi các chính sách này.

Cũng theo ông Rajiv Budhraja, không chỉ lốp xe, các lĩnh vực khác cũng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, biểu hiện là "nhập khẩu hàng hóa chất lượng thấp và giá rẻ từ Trung Quốc đang tăng nhanh, gây áp lực lên ngành sản xuất của Ấn Độ".

Ảnh hưởng tới Việt Nam

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam, chiếm khoảng 60% tổng lượng cao su xuất khẩu của nước ta. Hơn nữa, khoảng 70% cao su thiên nhiên đi vào ngành công nghiệp sản xuất lốp xe. Do đó, việc Mỹ áp thuế cao đối với những linh kiện ô tô nhập từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu cao su nguyên liệu của Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu lốp xe có cơ hội tăng nếu Mỹ giảm nhập khẩu lốp xe từ Mỹ và thay vào đó tăng nhập của những nguồn cung khác.

Mặc dù khối lượng và xuất khẩu cao su của Việt Nam từ đầu năm đến nay nhìn chung vẫn khả quan, song theo Bộ NN&PTNT, để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà sản xuất, xuất khẩu cao su cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó, đặc biệt lưu ý tới thị trường Ấn Độ, nơi có ngành sản xuất lốp xa đang phát triển rất nhanh trong khi sản lượng cao su nội địa vẫn ở mức hạn hẹp.

Theo Trí thức trẻ

Hotline
Hotline:
0243 858 3428
Hotline:
0243 858 4106