Thị trường săm lốp đã và đang đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài và hàng nhập khẩu.
Theo thống kê thì tỷ lệ sở hữu xe ô tô cá nhân ở Việt Nam thấp hơn mức trung bình của các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Điều này cho thấy về dài hạn nhu cầu tiêu thụ săm lốp trong nước sẽ không ngừng tăng lên.
Nguồn cung tất cả các loại lốp ô tô hiện nay trong cả nước chỉ đáp ứng được 70-80% tổng nhu cầu cả nước (đã bao gồm các doanh nghiệp vốn FDI tại Việt Nam). Riêng lốp Radial chỉ mới đáp ứng được khoảng 10%, còn lại đều phải nhập khẩu. Như vậy dư địa tăng trưởng cho ngành săm lốp còn khá lớn. Ngoài ra, thuế suất nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm xuống còn 50% và theo lộ trình đến năm 2018 giảm xuống 0% sẽ giúp lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng theo đó nhu cầu tiêu thụ lốp thay thế sau đó cũng sẽ tăng theo.
Theo quy định từ Thông tư 06 của Bộ GTVT về giới hạn tải trọng xe vận tải đường bộ sẽ giúp chấn chỉnh lại thực trạng chở quá tải hiện nay. Theo đó các hãng vận tải buộc phải đầu tư thêm xe để phục vụnhu cầu vận chuyển đáp ứng lượng hàng hiện nay. Từ đó có khả năng lượng lốp xe tiêu thụ sẽ gia tăng khi mà Thông tư này được thực thi một cách chặt chẽ và hiệu quả.
Ngoài ra, theo quy trình kiểm định xe mỗi năm có quy định về xuất xứ và giấy tờ mua/bán hợp lệ của lốp xe. Vì vậy sẽ loại bỏ phần nào các loại lốp giá rẻ, chất lượng thấp nhập lậu, không rõ xuất xứ. Giúp bảo vệ các nhà sản xuất lốp uy tín trong nước.
Thị trường xuất khẩu :
Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) về cắt giảm và xóa bỏ thuế quan rất nhiều mặt hàng đến năm 2018. Ngoài ra, sắp tới Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) được áp dụng cũng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam về mặt hàng lốp ô tô nói chung và lốp ô tô Radial nói riêng có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn trên thế giới.
Hiện nay thị trường săm lốp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,4% so với quy mô thị trường săm lốp thế giới. Theo thống kê từ Research and Markets cho thấy sản lượng xe ô tô của thế giới trong 12 năm tới sẽ không ngừng gia tăng, đặc biệt thị trường Trung Quốc dự báo tăng trưởng 11%/năm, (Ấn Độ 12%/năm), Đông Nam Á (5%/năm), Nam Mỹ (5%/năm). Đây là các thị trường tiêu thụ lốp Radial rất lớn, điều này sẽ tạo cơ hội cho lốp Radial của Việt Nam gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.
Sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước trong khu vực. Đặc biệt tiếp giáp với các thị trường lớn như Trung Quốc với các dòng lốp giá rẻ, chất lượng thấp thâm nhập vào thị trường trong nước mỗi năm.
Thị trường săm lốp đã và đang đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài và hàng nhập khẩu. Hiện tại, rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đều đã có đại lý ở Việt Nam. Ngoài ra, Bridgestone sẽ đưa nhà máy công suất khoảng 9 triệu lốp/năm đi vào hoạt động cuối năm 2016 ở Hải Phòng, Yokohama có công suất 400.000 lốp/năm. Kumho cũng sẽ nâng công suất nhà máy từ 3,15 triệu lốp/năm lên 6,3 triệu lốp/năm và các thương hiệu khác như Chengshin, Maxxis, Sailun,… Nguồn cung trong nước đến từ các công ty nước ngoài sẽ gia tăng, tạo áp lực cạnh tranh và là một thách thức khá lớn đối với các doanh nghiệp săm lốp trong nước.
Nguồn: FPTS – CTCK FPT